Thực hiện dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân
Dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, dân là gốc của quyền lực nhà nước, mọi hoạt động của cơ quan nhà nước phải xuất phát từ ý chí, ý nguyện của nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.
Dân chủ trong xã hội được biểu hiện dưới hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Việc nhân dân bỏ phiếu bầu ĐBQH và đại biểu HÐND, bãi miễn các đại biểu do mình bầu ra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, kiến nghị với các cơ quan nhà nước chính là hình thức dân chủ trực tiếp.
Dân chủ đại diện là hình thức dân chủ mà người dân được lựa chọn người đại diện mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước, đó là Quốc hội và HĐND. Hiến pháp năm 2013 tại Điều 79 hiến định: “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước”. Điều 113 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”.
Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND. Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là của công dân, là quyền được hiến định và việc thực hiện các quyền này phải theo quy định của pháp luật.
|
Bầu cử là quyền và nghĩa vụ của cử tri. Ảnh minh họa: Nguồn: tuyengiao.vn. |
Do vị trí đặc biệt quan trọng của Quốc hội và HĐND nên những người tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, các tiêu chuẩn cơ bản đối với ứng viên là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm...
Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã yêu cầu: “Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước”.
Bảo đảm 4 nguyên tắc: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín
Đó là 4 nguyên tắc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp ở nước ta hiện nay. 4 nguyên tắc này đã được quy định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. 4 nguyên tắc trên cũng được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ hiện nay.
Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam-nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú (trừ những người mất trí hay những người bị tước quyền bầu cử theo quy định của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử. Yêu cầu của nguyên tắc này là nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử.
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND của nước ta quy định ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật, được Quốc hội ấn định và công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày diễn ra bầu cử; các tổ chức phụ trách bầu cử được thành lập công khai, có sự tham gia của đại diện các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân. Thời gian bỏ phiếu được quy định thống nhất trong cả nước từ 7 giờ đến 19 giờ (trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định của luật). Mọi công dân cư trú thường xuyên hoặc tạm trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri. Danh sách cử tri và danh sách ứng cử viên được lập và niêm yết công khai để cử tri tìm hiểu, giám sát và lựa chọn...
Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau, không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo... Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu thích đáng.
Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu.
Nguyên tắc bỏ phiếu kín thể hiện ở việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc bỏ phiếu của cử tri. Cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm bảo đảm tự do đầy đủ sự thể hiện ý chí của cử tri.
Tại nhiều nước trên thế giới đều có quy định quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân. Tại Việt Nam, quyền này đã được quy định trong Hiến pháp-đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Hiến pháp năm 1946-bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền này tại Điều 18 như sau: “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Công dân tại ngũ cũng có quyền bầu cử và ứng cử”. Quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của công dân trong bầu cử vẫn tiếp tục được khẳng định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp năm 1959 (tại Điều 23), Hiến pháp năm 1980 (tại Điều 57), Hiến pháp năm 1992 (tại Điều 54). Hiến pháp năm 2013 (Điều 27).